Thái Bình

Bài viết

Canh riêu cá vược



Hình bài viết Canh riêu cá vược

Thiên nhiên đã ban tặng cho miền quê Thái Bình của tôi nhiều đầm bãi, những vùng nước giữa sông và biển giao nhau. Ở đó, nước sông ánh lên màu hồng đỏ của phù sa nhưng lại có vị mặn của muối biển tạo nên những vùng nước lợ. Ở đó là đất tổ, là giang sơn vùng vẫy của những đàn cá vược.

Cá vược lóc nạc

Nếu nhìn qua, người ta dễ nhầm lẫn giữa cá vược và cá hồng ở biển. Còn những thằng con trai chân đất lớn lên gắn với cái nơm, cái vó, cái cần câu như tôi thì rất dễ nhận dạng cá vược với đôi mắt màu xanh, miệng rộng, hai cái mang cứng và sắc như dao chọc tiết lợn. Và thịt cá vược săn chắc và thơm ngon lắm.

Ngày ấy, tôi vẫn thường lẽo đẽo theo đám trai làng đi săn cá vược. Có lần, tôi úp nơm, một con cá vược nằm lọt thỏm trong đó, nhưng chưa kịp hét lên vì sung sướng thì nó đã nhảy bật ra ngoài. Tôi nhoài người theo mà không kịp để rồi hùi hụi tiếc. Đó cũng là lúc tôi nhận ra phải có sức khỏe mới "hạ gục" được những con cá vược hung dữ. Biết điều tôi băn khoăn, bà nhờ người hàng xóm sắm cho tôi chiếc cần câu.

Những khi cá vược cắn mồi, tôi phải dồn hết trọng lực lên cánh tay, dù vậy chiếc cần câu vẫn cong lên như nửa chữ C vì sự giãy giụa của nó. Thấy tôi trở về với con cá vược trên tay, mắt bà hấp háy vui. Vì bà là người có tài chế biến các món từ cá vược rất ngon: nấu canh riêu với khế chua, kho giần nhừ với lá nghệ hoặc đem phơi nắng để khi mùa đông đến đem hấp cơm hoặc rim mỡ ăn dần.

Lớn lên, tôi đi học xa nhà, không còn ai câu cá vược nên bà phải ra chợ mua. Chiều thứ bảy, bà ngồi tẩn mẩn nấu nồi canh riêu cá rồi ra ngõ ngóng cháu về. Có hôm, tôi rủ thêm vài đứa bạn về cùng. Đến bữa ăn chúng nó cứ tấm tắc khen nồi canh riêu cá vược của bà ngon ơi là ngon. Bà không ăn mà ngồi múc cho từng đứa một. Có lẽ với bà đó là cả một niềm hạnh phúc.

Một ngày mùa đông, tôi đi học về đã nhìn thấy bà đang kê chiếc nón lá ngồi ngoài cửa phòng trọ. Ngoài túi bột đỗ xanh, chục trứng gà... bà còn mang lên cho tôi một xâu cá vược nướng. Trước khi nướng cá, bà đem đảo qua chảo mỡ già cho vừa chín thịt, da cá săn lại không vỡ. Sau đó kẹp từng miếng cá vào nẹp, nướng bằng than củi, khi nướng rưới thêm vào vài ba thìa mỡ trên cá cho thơm và chống cháy.

"Ăn đi, kẻo mai mốt vào mùa gặt, có về bà cũng không có thời gian nấu canh riêu cá đâu". Bà vừa nói vừa vấn lại chiếc khăn trên đầu. Mắt tôi rưng rưng khi nhìn thấy tóc bà chỉ còn toàn một màu trắng. Bà đã sưởi ấm tuổi thơ mồ côi thiếu thốn tình yêu thương của tôi bằng sự cưu mang và nhiều tảo tần như thế.

Tốt nghiệp loại ưu, tôi được nhận công tác ở một thành phố lớn. Còn bà đã thanh thản ra đi vào một chiều cuối năm khi đã kịp nhìn thấy tôi trưởng thành. Nơi tôi lớn lên đã không còn ai thân thích nhưng căn nhà trồng rất nhiều khế chua của bà, vợ chồng tôi vẫn giữ lại để những khi có điều kiện lại đưa con về thăm.

Dù dọc đường phố Thái Bình giờ đã có rất nhiều nhà hàng đặc sản lẩu cá vược, cá vược hấp, cá vược nướng... nhưng vợ tôi chỉ dừng xe ở chợ, chọn mua một con cá vược thật ngon về nấu bát canh riêu cá đặt lên bàn thờ bà. Thắp nén nhang, tôi nhìn lên di ảnh của bà: Ở dưới suối vàng, bà sẽ không bao giờ cảm thấy lạnh lẽo và thiếu thốn nếu vẫn được sưởi ấm bằng tình yêu thương của những người thân, phải không bà?

Theo dulich.tuoitre.com.vn



Bài viết liên quan
Bình minh trên biển Đồng Châu
Về thăm lễ hội Cồn Vành
Canh riêu cá vược




Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Đền Đồng Xâm - Thái BìnhHình ảnh Chùa Keo - Thái BìnhHình ảnh Biển Đồng Châu - Thái BìnhHình ảnh Đền Đồng Bằng - Thái Bình