Bắc Giang

Bài viết

Lễ hội Xương Giang



Hình bài viết Lễ hội Xương Giang
LỄ HỘI XƯƠNG GIANG
 


Lễ hội Xương Giang được mở ra ở đất Bắc Giang bắt đầu vào năm 1998 và được duy trì liên tục từ đó đến nay. Đây là lễ hội được xây dựng trên cơ sở chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt chống lại và đập tan gần 10 vạn quân xâm lược Minh trong gần một tháng tại địa bàn Lạng Sơn và Bắc Giang ngày nay. Chiến thắng Chi Lăng - Xương giang chính là chiến thắng quyết định cho nền độc lập của dân tộc ta ở thế kỷ XV. Trận đánh quân Minh ở Xương Giang được sử sách coi là trận quyết chiến chiến lược của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Vì thế, lễ hội Xương Giang là lễ hội phản ánh lịch sử hào hùng chống xâm lăng của dân tộc, thông qua các hình tượng văn hoá ngay trên mảnh đất Xương Giang lịch sử.




Theo các tài liệu lịch sử, chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 năm 1427 đến ngày mồng 3 tháng 11 năm 1427. Trong khoảng thời gian này đã diễn ra bốn trận thắng lớn của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo.

- Trận thứ nhất là trận Chi Lăng ngày 10 tháng10 năm 1427. Trận này đội quân tiên phong của quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy bị bẻ gẫy. Thái tử Liễu Thăng bị chém ở khu vực ải Chi Lăng.

- Trận thứ hai là trận Cần Trạm ( thuộc khu vực Kép, Lạng Giang ngày nay ) vào ngày 15 tháng10 năm 1427. Tại đây viên tướng giặc Bảo Định Bá Lương minh phải tự vẫn.

- Trận thứ ba là trận Hố Cát ngày 3 tháng 11 năm 1427, diễn ra trên cánh đồng Xương Giang. Cánh đồng này gồm các khu vực lớn ở các xã Tân Dĩnh, Xuân Hương, Mỹ Thái ( Lạng Giang ) và Thọ Xương Bắc Giang.

Tại cánh đồng Xương Giang, quân Minh do hai viên tướng là Thôi Tự và Hoàng Phúc chỉ huy đã bị vây chặt trong cánh đồng này, khiến cho chúng không còn cách nào tiến lên để chiếm lại thành Xương Giang, khi ấy đã về tay nghĩa quân Lam Sơn và do nghĩa quân làm chủ. Sau hơn 10 ngày cố thủ ở đồng Xương Giang, quân Minh đã sức cùng lực kiệt, lương hết, đói mệt, không còn đủ sức chiến đấu. Lúc này nghĩa quân Lam Sơn mở cuộc tiến quân, quét một trận tan sạch hơn bảy vạn quân ở cánh đồng này kết thúc chiến cục Chi Lăng - Xương Giang, buộc quân Minh ở Đông Đô ( Hà Nội ) phải đầu hàng, xin rút quân về nước. Đất nước Đại Việt mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự chủ của chế độ phong kiến Việt Nam.

Để có được chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, nghĩa quân Lam Sơn phải chuẩn bị lực lượng, địa bàn gần 10 năm kể từ ngày khởi nghĩa. trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang , nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã huy động một lực lượng bằng 1/3 lực lượng quân minh với các đội chính binh và dân binh. Để tổ chức các trận đánh thắng lợi, nghĩa quân Lam sơn đã cho hạ thành Xương Giang. Đây là ngôi thành kiên cố và hiểm trở, khó đánh. Gần 10 tháng thành Xương Giang mới được hạ trước khi viện binh nhà Minh cho quân kéo sang tiếp viện 10 ngày.

Các tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn tham gia chiến dịch có các tướng tài như Trần Nguyên Hãn, Phạm Đình Liêu, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lý, Lê Vân, Lê Ngân….Các tướng đó hầu hết theo Lê Lợi khởi nghĩa ngay từ những ngày đầu.

Dù đã trải qua hơn năm thế kỷ, dư âm của chiến thắng Xương Giang vẫn còn vang dội. Sáng sớm ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch, các đoàn người từ các phường xã, giương cờ, gióng trống, xe kiệu với quần áo rực rỡ, tề chỉnh từ các ngả đường lần lượt tiến về trung tâm khai hội. Không khí cờ hoa, biểu ngữ, các đoàn quân hành tiến trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng nhạc vang lừng làm cho cả thành phố Bắc Giang khí thế hẳn lên.

Trước ngày khai hội, Tối mồng 5 tháng giêng, thanh niên tổ chức đốt lửa trại. Họ nắm tay nhau, kết vòng tay lớn quanh đống lửa trại. Đêm hôm ấy, các làng, các thôn, phường, xã cùng rậm rịch hầu như không ngủ. Mọi người chuẩn bị cho cuộc hành rước hôm sau. Tại các đình, chùa, đền. miếu và nhà văn hoá đèn đuốc suốt đêm để tới canh năm hôm sau tề chỉnh săp hàng ngũ, chiêng trống kéo về nơi khai hội.

Đoàn làng Kế lên đường với xa kiệu, ngựa, đưa đội quân tượng trưng đức thánh Cao Sơn, Quý Minh về với lễ hội. Đoàn này lần lượt hội đủ các đội quân hành rước của làng Tiêu, làng Kế, làng Vĩnh thành một đoàn tiến vào các phố phường.

Đoàn rước của làng Thành, làng Vẽ cũng đưa đồ rước của đức thánh Cao Sơn - Qúy Minh tham dự. Vốn hai làng là hai lằng nằm kề bên phía cửu Bắc thành Xương Giang. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh năm xưa, họ đã về thành trên cót khiến cho quân thù bạt vía kinh hoàng tưởng quân ta có thần nhân giúp đỡ một đêm đã dựng xong thành.

Đoàn rước của thôn Hoà Yên rầm rộ với tinh thần của tướng quân nhà nhà Lý Lều Văn Minh đánh quân giặc Chiêm. Họ mang tới hội niềm kiêu hãnh bởi cha anh xưa cũng có mặt trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Đoàn rước của xã Đa Mai, phường Mĩ Độ lại tiến từ bờ nam sông Thương qua cầu Bắc Giang rồi theo quốc lộ 1A tiến vào khu khai hội. Làng Đa Mai thờ hai bà công chúa nhà Trần có công đánh giặc Nguyên thế kỷ XIII ngay tại khúc sông này nên làng đã không rước kiệu mà rước thuyền với anh linh của hai bà. Họ có một đội kỳ lân, sư tử do các bà đồn múa, rất hăng say và vui nhộn, đẹp mắt. Người Mĩ Độ thì rước tượng đức thành hoàng với long đỉnh, bát bửu, hương án…oai phong.

Lễ dâng hương được tổ chức ở trung tâm khai hội rất long trọng. Ở đây, các lễ chào cờ, lễ đọc diễn văn, đọc " Đại cáo bình Ngô ", lễ múa ra quân được tiến hành. Giữa các lễ này đều có nhạc hiệu làm nền vang lên trầm hùng và thức giục lòng người.

Sau khi dâng hương, các đoàn rước trở về làng mình, làm lễ Am Vị đưa xếp các đồ tế khí, kiệu, ngựa vào vị trí cũ. Riêng làng Thành và làng Vẽ thì coi như đã bắt đầu vào hội lệ của làng mình. Cờ, kiệu, ngựa…được đóng tại trước sân đình. ở khu vực đình, chùa hai làng, các trò vui được tổ chức như: Đu, đu quay, cờ bỏi, cờ tướng, hát chèo nhà chùa, dâng hương lễ phật, tế thành hoàng và có tổ chức hương ẩm tới ngày mồng 7 tháng Giêng mới dứt.

Lễ hội Xương Giang là lễ hội mới tổ chức lại. Hình thức khai hội thay đổi theo từng năm rất phong phú.


Theo http://www.bacgiang.gov.vn/
Và http://bacgiangview.com



Bài viết liên quan
Chùa Bổ Đà - điểm đến tâm linh Bắc Giang
Chùa Bổ Đà - Nét đẹp cổ kính của Bắc Giang
lạ miệng với món xôi trứng kiến của người Tày
Đến thăm "Ốc đảo vải " kỳ lạ ở Bắc Giang
Cafe Bắc Giang ký sự (Phần 2) - Cafe Mobile
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Hồ Cấm Sơn - Bắc GiangHình ảnh Suối Mỡ - Bắc GiangHình ảnh Lúa trên Khe Rỗ - Bắc GiangHình ảnh BacGiang_dinhThoha-1 - Bắc GiangHình ảnh Dinhthoha2-1 - Bắc Giang
Xem tất cả hình ảnh...