Chùa Hương Tích

Bài viết

Muốn ăn rau sắng chùa Hương...



Hình bài viết Muốn ăn rau sắng chùa Hương...

 Du khách nào về trảy hội chùa Hương cũng tìm mua bằng được vài ba cân rau sắng về thưởng thức và làm quà. Trong ảnh: đường lên chùa Hương. Ảnh: Trần Việt Đức

Chẳng loài rau nào trên đời mà ăn lại tuyệt như rau sắng. Đó là thứ vị rất kỳ lạ của đạm thực vật, ăn vừa bùi vừa ngọt mà lại không hề ngấy. Sắng nổi tiếng cả nước là ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Tây, đang được đóng gói vào siêu thị...

 

Suốt cả tiếng đồng hồ lội bộ qua một thôi đường rừng, chúng tôi mới tìm đến được trang trại của ông Trịnh Văn Tiết, một trong số các "đại gia" rau sắng của làng Yến Vỹ, xã Hương Sơn. Hàng ngày vợ chồng ông cùng ba người con vui thú điền viên, chăm nom trang trại rộng 3 hecta nằm mãi tít trong cánh rừng ven khu di tích danh thắng Phong Vân thuộc quần thể khu du lịch chùa Hương.

Gặp những "đại gia"

Cây rau sắng phải trồng ít nhất là 3 - 5 năm mới được hái lá lần đầu tiên và 10 năm sau mới được thu hoạch với số lượng lớn

"Tôi là sơn nhân đến tận gan ruột, sinh sống và khai khẩn trong khu rừng này đã được ngót nghét 70 năm nay", ông Tiết khoe vậy rồi đầy hứng khởi phăm phăm dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi thấm đượm mồ hôi, công sức của ba thế hệ gia đình mình. Hiện ông có khoảng 6.000 gốc cây rau sắng nằm rải rác trên hai ngọn núi rộng 2 hecta cạnh nhà. Số gốc cây đã được thu hoạch là 1.000. Cây lâu năm nhất được bố ông trồng từ cách nay 20 năm. Chả là, ông cụ vào rừng sâu đốn củi, tình cờ gặp, cụ mang về trồng trên ngọn núi cạnh nhà. Thật may, đấy chính là cây rau sắng cái. Khi cây ra hoa kết trái vàng ươm như kén tằm rụng quanh gốc và mọc ken đầy những cây non, cụ cần mẫn ươm cho chúng lớn độ một gang tay rồi tỉ mẩn đánh ra trồng trên từng hốc đất nhỏ trên khe triền núi đá xám lạnh. Nếu thời tiết thuận, mỗi năm có hàng trăm cây non được vun trồng và rồi cái nghiệp rau sắng lại được con cháu cụ tiếp tục đắp bồi...

Cây rau sắng

Nếu như gia đình ông Tiết nổi danh vì có cả một trang trại rau sắng thì ông cụ Nguyễn Văn Áp lại nức tiếng nhờ được rừng ban lộc. Ông Áp ngoài 80, người nhỏ thó, rắn chắc và điếc lòi. Ngày nào cũng vậy, cứ tinh mơ là ông đã cần mẫn len lỏi bao ngóc ngách núi đá điệp trùng của núi rừng Hương Sơn để tìm hái rau sắng về bán vào buổi chiều cho nhà chùa và khách du lịch. Chăm chỉ, lại thông tỏ mọi ngóc ngách của núi rừng nên ông luôn kiếm được nhiều rau nhất so với các đồng nghiệp. Đời ông quanh năm chỉ gắn với rau sắng, với núi rừng Hương Sơn. Hết mùa rau sắng, ông đi đánh gốc cây về đốt than, xẻ ván, đóng thuyền, hay đào củ nâu, củ mài, hái lá thuốc... về bán. Chính ông cũng chẳng nhớ đã bị ngã bao lần. Có lần trẻ con thấy ông nằm quay lơ dưới gốc cây, máu quánh đen quanh đầu, thế mà rồi chiều ông lại tỉnh dậy và gùi rau sắng về được. Cũng chính sau một lần ngã như thế, ông bị trào máu ra tai nên sinh bệnh nghễnh ngãng đến giờ. Người trong xóm ngoài làng còn bảo ông Áp cũng đã mấy bận giáp mặt “ông ba mươi” giữa đại ngàn mà vẫn vô sự; kẻ nói ông là ma rừng nên loài thú dữ ấy cũng phải kiêng nể; người lại bảo hồi đánh Pháp ông từng là du kích xã, ẩn vào thế núi mà đánh giặc suốt bao năm nên có tài xuất quỷ nhập thần. Tôi hỏi thì ông chỉ lãng đãng cười. Lo cho sức khoẻ của lão nghệ nhân, mọi người khuyên nghỉ đi rừng thì ông thủng thẳng bảo: tích cóp đủ 20 triệu đồng gửi ngân hàng để làm vốn dưỡng già thì nghỉ. Là nói vậy thôi, chứ tôi biết ông đã có đủ cái số tiền ước ao cả đời, cái số vốn thu được từ lộc rừng ấy từ mấy năm nay rồi nhưng có lẽ cả đời bầu bạn với cỏ cây, muông thú quen rồi nên ông chẳng thể một ngày ngơi chân đi được. Ông Áp biết cả những cây rau sắng to như cây đại già mà để hái được rau, ông phải dùng một cái sào nhỏ có ngoắc mà giật từng ngọn xuống (chứ không theo cách “tàn sát” của những người chỉ ham hố kiếm tiền mà chẳng quan tâm gì đến thiên nhiên: vì ngại leo lên cây - vốn đã mọc cheo leo mà cành lại giòn, rất dễ gãy - nên họ cứ lấy sào mà đập, mà giật bừa phứa cả cành lẫn nụ; vớ được cây nào là bứt bằng trụi thùi lụi).

Cứ đầu tháng tư âm lịch, khi cây đã ra những chùm nụ thì ông chỉ dám xin lộc một chút thôi rồi còn chừa lại một phần "cho chúng nở hoa trắng muốt; đến tháng năm âm lịch thì kết thành quả chín vàng ươm như kén tằm (mỗi cây cho từ 20-30kg quả), khi rụng xuống mọc thành cây con ken đầy quanh gốc cây mẹ, trông đẹp và có hậu lắm!" - ông Áp bảo vậy. Rồi cũng phải kể tên các "đại gia": ông Nguyễn Văn Tiềm có 3.000 cây rau sắng ở khu thung Cổng Vại, ông Trần Văn Đáng với 5.000 cây ở thung Gạo, dưới chân chùa Hinh Bồng... cũng đã làm giàu bằng nghề trồng rau sắng từ vài ba năm nay.

Rau siêu sạch và bán đắt như tôm tươi

Những cây đực, hoa không kết quả mà chỉ ra những chùm rồng rồng trắng muốt. Ảnh: Quảng Trí

Sinh trưởng trên những triền đá lạnh, không nệ nhiều đến bàn tay chăm bón của con người, có chăng chỉ là xới đất và nhặt cỏ, nên rau sắng là sản phẩm siêu sạch (từng đoạt HCV tại Hội chợ thực phẩm an toàn tại Hà Nội năm 2004). Vì vậy, để không mất đi các dưỡng chất và giữ được hương vị rất riêng của rau sắng, người dân ở đây khuyên các bà nội trợ, trước khi chế biến chỉ cần rửa qua để tránh rau bị nát; sẽ là hoài của nếu bỏ đi những cọng rau non, giòn và rất bùi.

Vì là loại rau quý hiếm, lại thơm ngon nức tiếng nên rau sắng luôn rất có giá: từ 100.000 - 300.000 đồng/kg, tuỳ từng thời điểm; đắt đỏ vậy mà chưa khi nào người bán bị ế lấy một cọng. Mỗi vụ, trung bình một cây rau trưởng thành có thể cho người dân nơi đây thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng. Du khách nào về trảy hội chùa Hương cũng tìm mua bằng được vài ba cân rau về thưởng thức và làm quà cho người thân. Rất nhiều người nhạy bén với thị trường cũng thường xuyên mai phục ở các nẻo đường lên núi hay các khu chợ quanh vùng Hương Sơn để thu mua rau sắng với số lượng lớn đem đi tiêu thụ khắp nơi; tất nhiên, khi ấy giá cả sẽ được đẩy lên cao gấp hai, ba lần.

Vươn tầm

Một góc chợ rau . Ảnh: Quảng Trí

Ông Nguyễn Chí Thanh, chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho chúng tôi biết: "Từ cuối năm 2001, nhằm phát huy lợi ích kinh tế của cây rau sắng, UBND xã đã đưa chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đặc thù này vào nghị quyết của Đảng bộ xã và khuyến khích nhân dân tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng cây rau sắng. Chúng tôi cũng đã mời GS, viện sĩ sinh học Vũ Tuyên Hoàng về giúp nghiên cứu phương pháp ghép mô. Chắc chắn chỉ chục năm nữa là cây rau sắng mọc bạt ngàn rừng Hương Sơn". Hiện vùng nguyên liệu của dự án đã được mở rộng tới 15ha; tạo công ăn việc làm ổn định và có thu nhập cao (vào mùa thu hoạch, mỗi ngày một người dân hái được 2kg rau, thu nhập 240.000đ) cho 300 hộ gia đình. "Rau loại 1 được đóng gói, bán trong hệ thống siêu thị (nhiều nhất là tại tầng 4, Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza Hà Nội) và xuất khẩu; các loại rau chất lượng thấp hơn sẽ được tiêu thụ trên thị trường truyền thống", ông Nguyễn Chí Long, giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch và phát triển quốc tế, cho chúng tôi biết thêm.

Vậy là từ nay, rau sắng sẽ không còn làm khách ẩm thực lo "tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa"; mà vị ngọt đậm đà của thứ thời trân này sẽ còn bay ra ngoài dải đất hình chữ S mến yêu để góp phần làm phong phú thêm cái thú ăn chơi của bạn bè năm châu nữa đấy, thưa cụ Tản Đà kính mến!

Bằng Vân

Theo SGTT



Bài viết liên quan
Chùa Hương 1 ngày, tour chùa Hương, du lịch Chùa Hương, Hà Nội - Chùa Hương 1 ngày
Chùa Hương mùa không hội
Có một chùa Hương trên đỉnh non Hồng
Đi hội chùa Hương từ TpHCM
Đặc sản chùa Hương
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh chuahuongtich.jpg - Chùa Hương TíchHình ảnh chuahuongtich2.jpg - Chùa Hương TíchHình ảnh chuahuongtich9.jpg - Chùa Hương TíchHình ảnh chuahuongtich2.jpg - Chùa Hương TíchHình ảnh chuahuongtich.jpg - Chùa Hương Tích
Xem tất cả hình ảnh...