Cà Mau

Bài viết

Phiêu du trên đầm Thị Tường



Hình bài viết Phiêu du trên đầm Thị Tường

Nằm điểm cuối cùng của cực Nam đất nước, vắt ngang hai huyện Cái Nước và Trần Văn Thời, đầm Thị Tường (Cà Mau) đang trở thành điểm đến du lịch cộng đồng (homestay) được nhiều khách phương xa ưa thích.

Khách du lịch bụi ngắm hoàng hôn trên đầm Thị Tường - Ảnh: V.Đ.

Về Cà Mau lần này, chúng tôi được giới thiệu điểm đến du lịch cộng đồng khá thú vị, đó là nhà ông Nguyễn Văn Hùng (51 tuổi, còn được gọi "chúa đầm") ở đầm giữa đầm Thị Tường.

Đầm Thị Tường nằm điểm cuối cùng của cực Nam đất nước, vắt ngang hai huyện Cái Nước - Trần Văn Thời, được phù sa bồi lắng của sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc và hứng trọn tài nguyên từ bốn cửa biển đổ vào: cửa sông Đốc (Bà Quẹo) - cửa Mỹ Bình - cửa Rau Dừa xuống và cửa Phú Tân đổ lên, xung quanh được bao bọc bằng cây dừa nước.

Bề ngang đầm rộng nhất 2 km, nơi nhỏ nhất 700m. Chiều dài 10 km được chia ra làm ba: đầm trên, đầm giữa và đầm sau. Vùng đất ngập nước này vừa là nước ngọt, nước lợ và nước mặn.

Xe đưa nhóm đến khu di tích Xẻo Đước, chúng tôi "alô" điện thoại di động báo cho chủ nhân biết, chỉ vài phút sau, ba chiếc vỏ composite rẽ sóng ra đón cả nhóm.

Theo những người lớn tuổi trong vùng, đầm Thị Tường (Bà Tường) có nhiều giai thoại. Từ truyền thuyết xa xưa, người phụ nữ dũng cảm đã xua đuổi chim chóc do Chúa Hổ sai đến tha đá lấp mặt đầm vì không được vua Thủy Tề gả con đến chuyện thật, người thật dòng họ Tô gốc Bình Định theo Tây Sơn chạy vào đây khai khẩn khi triều Tây Sơn sụp đổ.

Giữa đầm giữa bốn bề mênh mông nước, căn nhà sàn rồi cũng hiện ra đầy hoang dã, quyến rũ. Cột nhà làm bằng cây tràm ngâm, mái lợp lá dừa nước xé, sàn lót ván láng bóng, vách lá đơn sơ, không có cánh cửa nào.

Nhìn căn nhà phóng khoáng, cột cắm sâu dưới nước cũng đoán được tính cách chủ nhân cũng như cuộc sống người dân nơi đây và chủ nhân của nó. Nhưng được cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt với gia đình gia chủ mới thấy đời sống sinh hoạt trên đầm vẫn mang đậm chất Nam bộ, phóng khoáng, hiền hòa và mến khách.

Ông Hùng, chủ nhà với dáng người cao to, nước da ngăm đen biết chúng tôi là dân văn nghệ liền hỏi: “Có nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đi không?”. Chúng tôi bảo cô bận việc không đi được. Anh nói tiếp: “Năm 2013, cô Ngọc Tư dẫn các đoàn khách tham quan đầm Thị Tường tới 13 lần".

Những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa ven đầm Thị Tường - Ảnh: V.Đ

Những ngôi nhà sàn xinh xắn hoang dã trên đầm Thị Tường - Ảnh: V.Đ

Nghỉ ngơi một lát sau chặng đường dài, chúng tôi được chủ nhà đưa tham quan vùng đầm bằng vỏ lãi. Đầm thông ra biển Thái Lan qua sông Mỹ Bình. Đi trên mặt đầm mênh mông, thỉnh thoảng lại thấy các căn nhà sàn nằm cách nhau vài trăm mét, đó là nhà ở canh chừng dụng cụ đánh bắt như lú, rập cua, lưới.

Theo ông Hùng, mỗi hộ ở trên đầm được chia 100m mặt nước để đóng đáy, đóng chà, đặt lú…

Đầm Thị Tường được thiên nhiên ưu đãi, cung cấp cho con người rất nhiều loại hải sản như cá ngát, cá chẽm, cá nâu, cá chai, cá đối, cá dzồ chó, tôm sú, tôm thẻ, tôm đất, cua, ghẹ, ghẹm…Tài nguyên của đầm vô thiên lũng, trung bình mỗi ngày bà con ngư dân thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ tôm, cua, cá.

Không khí khoáng đãng, trong lành, người nào cũng thoải mái và thấy mình như trẻ lại trước sông nước mênh mông.

Hơn một giờ tham quan quay về đã có bốn vị khách là những người cố cựu vùng đầm ghé thăm. Cơm nước đã dọn sẵn trên sàn nhà, không có bàn, ghế. Thức ăn là những món đặc sản độc chiêu, cá ngát nấu canh chua, ghẹm kho mặn, cua và ghẹm luộc chấm muối tiêu chanh, tôm thẻ luộc, tép chiên giòn, cá chai luộc...

Chủ nhân vừa đãi rượu gạo lẫn rượu ngâm tổ ong. Cả nhóm vừa thưởng thức vừa được nghe các chú các bác lớn tuổi kể về lịch sử và chiến đấu anh dũng của người dân địa phương bảo vệ đầm. Bà Dương Thị Lụa (50 tuổi, vợ ông Hùng) vui vẻ vì được đón khách tới thăm, luôn miệng bảo "ở đây thiên nhiên ưu đãi cá, tôm, cua, ghẹ" và động viên mọi người "cứ ăn thỏa thích".

Thú thật chúng tôi đã say cua hơn... rượu. Những con cua gạch đỏ tươi, thịt chắc nịch, ngọt lịm. Bữa cơm chiều, anh chị em chúng tôi chẳng ai ăn chén cơm nào, chỉ ăn cua cá đến no.

Nhà sàn ông Hùng nằm ở giữa đầm giữa - Ảnh: Hưng Phú

Bữa cơm chiều tại nhà "chúa đầm" - Ảnh: Hưng Phú

Ông Hùng với giỏ ghẹm tươi rói dành cho khách - Ảnh: Hưng Phú

Đêm về mới là trải nghiệm thực sự cuộc sống hoang dã vùng đầm. Nằm trên nhà sàn dài rộng giữa mênh mông nước với hàng ngàn cây đèn đặt lú le lói, càng về khuya gió càng lồng lộng, thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên, nhỏ bé trước chủ nhà to cao, bặm trợn với giọng cười, tiếng nói hào sảng và mến khách mà ngỡ như mình đang quay về thuở khai hoang mở đất xa xưa...

Sáng ra, lại được ăn tô cháo nóng hổi nấu với tôm bạc thẻ và được ăn những món ăn quê dân dã, thích thú khám phá và thu vào tầm mắt vùng đầm mệnh danh “dưới sông sấu lội” mới thấy không gì sướng bằng.

Lên xe về thị xã, níu chân chúng tôi còn là những xị rượu ngâm ong mật, những xách lưới chứa đầy ghẹm... được chủ đầm gửi tặng.

                                                                                                                                                                                                                                      ( Theo Hưng Phú - tuoitre.vn )



Bài viết liên quan
Những điểm đến không thể bỏ qua khi tới Cà Mau
Tới thăm vùng đất cuối trời Nam
Mưa đầu mùa chợt nhớ món cá rô đồng kho tương
Phiêu du trên đầm Thị Tường
Cá bông lau nấu lá giấm
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Rừng U Minh - Cà MauHình ảnh Hoàng hôn Đất Mũi - Cà MauHình ảnh Mũi Cà Mau - Cà Mau