Gia Lai

Bài viết

Sự tích về chiếc gùi đung đưa



Hình bài viết Sự tích về chiếc gùi đung đưa

 Đến với các buôn làng Tây nguyên, thấy nhà nào cũng có một vài chiếc gùi. Đã từ lâu, gùi là một vật dụng thân thuộc, gắn bó với bà con dân tộc nơi đây.

Chiếc gùi gắn bó với người dân Tây nguyên - Ảnh: H.M.Sơn

Gùi của người Ê Đê có nhiều kích cỡ, to nhỏ, cao thấp khác nhau. Nhưng thông thường gùi có chiều cao từ ngang vai đến dưới thắt lưng, vừa vặn với lưng người đeo. Thân gùi đan bằng tre, to chừng cái thùng gánh nước, miệng gùi loe rộng. Đế gùi bằng gỗ, hình hộp chữ nhật, mỗi cạnh dài hơn gang tay.

Phần đế giúp chiếc gùi cứng cáp hơn, khi đặt trên mặt đất sẽ cân bằng, không bị đổ. Quai gùi được bện bằng dây mây, to bản.

Chiếc gùi là sản phẩm của những đôi bàn tay khéo léo cùng với óc thẩm mỹ tinh tế của người Ê Đê. Tre để làm gùi phải là loại tre già, đặc ruột. Tre chặt về được cắt thành từng khúc dài rồi pha lạt, chuốt nan. Chỉ lấy nan cật, loại nan vừa dẻo vừa bền. Nan chuốt xong đem hong gió cho khô. Khi đan lại đem nhúng nước cho có độ dẻo, dễ đan hơn.

Những thanh nan cật được đan cài lại với nhau khít rịt tạo thành thân gùi cứng cáp. Miệng gùi được cạp bằng thanh tre dày, rất chắc chắn. Gùi đan xong không đem dùng ngay mà thường được đem treo ở gác bếp nhiều ngày. Hơi nóng của lửa, của khói xông lên, hun chiếc gùi thêm săn chắc, lên màu nâu bóng như cánh gián, vừa bền vừa đẹp.  

Gùi theo người đi rẫy, đi ruộng. Gùi theo người vào rừng, xuống suối ra sông.

Cô gái Ê Đê đi rẫy, chiếc gùi đung đưa nhè nhẹ theo nhịp chân bước. Trong gùi có phần cơm trưa, quả bầu khô đựng nước, chiếc rựa... Chiều về, trong gùi lấp ló mớ rau rừng tươi non, trái bắp chuối tím đỏ, mớ cà đắng xanh giòn, những thức quà có được từ núi rừng. Có khi trong gùi là bó củi khô chẻ nhỏ, bằng bặn, đều tăm tắp.

Chiếc gùi không làm mất đi vẻ duyên dáng đáng yêu của các cô gái mà ngược lại khiến người ta thấy được sự chịu thương chịu khó của người đeo nó.

Chiếc gùi của người Tây nguyên - Ảnh: H.M.Sơn

Có những buổi chiều tà, hoàng hôn loáng đỏ bến nước đầu buôn. Các cô gái hạ gùi bên bờ, cùng nhau giặt giũ, tắm gội. Ráng chiều rực rỡ trên những mái tóc đen dài óng nước, trên bờ vai trần mịn màng, trên khuôn ngực tròn đầy. Những ánh mắt long lanh, những môi cười tươi thắm.

Rồi những chiếc gùi lại đung đưa trên lưng theo các cô gái về buôn. Trong gùi xếp đầy những quả bầu khô đựng đầy nước mát ngọt.

Lại nhớ những năm tháng kháng chiến trường kỳ, chiếc gùi đã theo những người dân Tây nguyên ra trận. Gùi lớn, gùi nhỏ ngày đêm xuyên rừng, vượt núi, lội suối, băng đèo tải gạo, tải đạn dược, thuốc men tiếp tế cho bộ đội đánh giặc.

Như khe suối góp từng giọt nước làm nên dòng sông lớn, chiếc gùi đơn sơ đã góp một phần nhỏ bé của mình vào thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại. 

Ngày nay, những chiếc balô, túi đeo, giỏ xách đủ kiểu dáng, màu sắc được bày bán khắp nơi, nhưng chiếc gùi vẫn là người bạn thân thiết không thể thiếu ở các buôn làng. 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     (Theo HOÀNG MINH SƠN- tuoitre.vn)
 Văn hóa du lịch Gia Lai- Tây Nguyên 



Bài viết liên quan
Thác Gia Long - 'thế giới bị lãng quên'
Những địa điểm không thể bỏ qua khi tới Gia Lai
Chút hương rừng Tây Nguyên
Sự tích về chiếc gùi đung đưa
Lạ miệng “cà sóc” kiến vàng
Xem tất cả bài viết...



Hình ảnh liên quan

Hình ảnh Thác Phú Cường - Gia LaiHình ảnh Vườn quốc gia Kon Ka Kinh - Gia LaiHình ảnh Di tích Tây Sơn thượng đạo - Gia LaiHình ảnh Nhà tù Pleiku - Gia LaiHình ảnh Nhà máy thủy điện Yaly - Gia Lai
Xem tất cả hình ảnh...