A Pa Chải

Hình ảnh

Hình ảnh Đường lên A Pa Chải - A Pa ChảiHình ảnh Bản làng A Pa Chải - A Pa Chải

Bài viết

Hành trình đi về A Pa Chải: Cực Tây tổ quốc

Thông tin


Đường vào A Pa Chải - Ảnh: Tố Oanh
Địa danh A Pa Chải - cực tây Tổ quốc, vùng ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào (thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đang hấp dẫn giới trẻ yêu thích du lịch khám phá vùng đất đặc biệt của đất nước mình.

Người bạn đồng hành

Từ TP.HCM, tôi lên kế hoạch balô một mình đến TP Điện Biên, rồi cưỡi xe máy hơn 200km đường đèo núi theo quốc lộ 12, huyện Mường Chà, Mường Nhé để đến miền cực tây. Trước giờ khởi hành, tôi bất ngờ gặp Lê Triều Dương - một phượt “lão làng” ở Hà Nội có nick (tên thay thế) là dugia (phượt: từ chỉ những cư dân mạng trong box du lịch web Trái tim VN thích chinh phục và khám phá những cung đường hiểm hóc).

Tháng chín năm ngoái, để đặt chân lên vùng đất cực tây này của Tổ quốc, Dương và nhóm bạn trong box du lịch đã phải cuốc bộ 160km khi đường bị mưa sạt lở. Anh tiết lộ: “Tôi sẽ độc hành trở lại cực tây bằng một cung đường từ thượng nguồn sông Đà, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu sang”. Đó là đường đi bộ trước đây của dân vùng cực tây, phải mất cả tuần mới ra huyện (khi chưa tách tỉnh Điện Biên từ Lai Châu). Đích đến cực tây Tổ quốc bằng một lối mới đã kết nối chúng tôi trở thành bạn đồng hành ăn ý, mà ít giờ trước còn xa lạ.

Dương “chơi” toàn thứ dữ: bản đồ chuyên dụng chi tiết đến tận xã, bản; chiếc xe máy không bửng, chắn sên để “trị” đường sình lầy... Với anh, khám phá và chinh phục những cung đường hiểm là một thú hấp dẫn. Hơn 20 năm ngược xuôi các nẻo đường Tây Bắc bằng xe gắn máy dường như chẳng còn chỗ cho anh đi. Dương cười với giọng Bắc đặc sệt: “Nick dugia chính là cung đường Du Già - Mậu Duệ nằm ở Hà Giang chỉ vài chục kilômet nhưng vừa già, vừa dai”.

Niềm vui của những bạn trẻ ở cực tây Tổ quốc - Ảnh: Tố Oanh

Phải mất thêm một ngày đi bộ mới đến được cột mốc số 0 ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào nằm ở vị trí 102 độ 8 phút đông, 22 độ 24 phút bắc. Sáng ngày mới, nắng rưới vàng khắp các bản làng. Nhiều bạn mặc áo có cờ Tổ quốc tiếp tục hành trình đi mốc 0 để được ghi dấu một mốc điểm trong đời người trẻ.

Thiếu úy Nguyễn Kim Thạch, quê ở Hải Dương, đưa tôi và Dương đi tham quan mốc A3 với ý nghĩa: “Chỉ ít năm nữa tại vị trí này sẽ mở cửa khẩu Việt -Trung. Giao thông, kinh tế thông thương, đời sống của người dân ở vùng cực tây Tổ quốc sẽ thay đổi”. 

A Pa Chải vẫy gọi

Lộ trình từ Mường Tè ra quốc lộ 12 đi cực tây dài khoảng 350km, trong đó hứa hẹn đến hơn 200km đường xấu. Đến được thị trấn Mường Chà đầu ngã quốc lộ 12 độc đạo rẽ đi A Pa Chải trời sập tối. Chúng tôi tìm chỗ ngả lưng qua đêm ở một quán trọ 5.000-10.000 đồng/người/đêm, nơi mà theo ông bà chủ người Dao, hiếm khi có khách lỡ đường.

Chẳng bù cho đêm qua ngủ ở khách sạn huyện Sìn Hồ 100.000 đồng/người. Những hành trình tự thiết kế đã tập cho người chơi cách thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Bảy giờ sáng mà trời vẫn tối mù. Chúng tôi xuất phát trong làn sương mù dày đặc, lạnh buốt. Đường xuyên rừng phía trước như con rắn khổng lồ uốn lượn quanh co ôm lấy dãy núi Pu Đen Đin, một bên là vực sâu thẳm.

Đây là con đường mơ ước của những người dân vùng cực tây Tổ quốc hằng bao năm qua dẫu đó là đường đang được san ủi, khai phá, mức độ “đau khổ” xếp vào hàng bậc nhất VN. Trước đây muốn “xuất, nhập” vùng đất này phải đi bộ mất chín ngày. Mỗi đoạn gay cấn phóng xe máy qua vực sâu với tôi là hú vía, còn với Dương là sự hồi tưởng.

Dòng suối Mo Phí chảy qua xã Sín Thầu - xã cực tây Tổ quốc - đã ở trước mặt. Ánh hoàng hôn chìm dần. Chỉ còn vài kilômet nữa là chúng tôi đến được bản A Pa Chải.

Chúng tôi đã lập được “kỷ lục” chạy xe máy từ quốc lộ vào cực tây chỉ mất một ngày. Thật bất ngờ, chạy trước và sau chúng tôi ít phút là năm tốp bạn trẻ từ thủ đô đã không hẹn mà cùng có mặt ở vùng đất thiêng liêng cực tây Tổ quốc. Trong đó có năm bạn được Pờ Dần Sang, sinh viên báo chí duy nhất của Sín Thầu đang học ở Hà Nội, đưa về bản chơi.

Đêm, bản Tả Khò Khừ của dân tộc Hà Nhì rộn ràng với khách phương xa. Bên đống lửa hồng xua đi cái rét tháng một cắt da, khách và chủ cùng hòa quyện trong điệu múa xòe truyền thống Hà Nhì, uống chén rượu nồng ấm. Tôi và Dương lại tiếp tục đi lên đồn biên phòng 317 - điểm xa nhất phía tây của Tổ quốc. Nhà mới dựng, vách đất mới đắp vẫn còn ướt, ba ngày nữa đồn mới chính thức khánh thành, mọi người ở đây đều tất bật...

Sau cái siết tay nồng ấm những ngày đầu năm chia tay người dân, chiến sĩ biên phòng cực tây, các lữ khách lại tiếp tục hành trình của mình. Người đi đường bộ, người xuôi sông Đà để trở về với công việc thường nhật. Qua mỗi chuyến đi đều cảm thấy mình lớn hơn...

Theo Tuổi Trẻ

Nhúng địa điểm này vào website của bạn

Địa điểm liên quan

Cao nguyên Sìn Hồ Sông Đà Pú Đao
Động Tiên Sơn A Pa Chải Thác Tắc Tình
Miếu Nàng Han