Khu di tích Gò Thành

Hình ảnh

Hình ảnh 3651_03_13_6107 - Khu di tích Gò ThànhHình ảnh 3651_03_5312 - Khu di tích Gò ThànhHình ảnh 3651_03_10_1244 - Khu di tích Gò ThànhHình ảnh 12721_dsc_0173_4478 - Khu di tích Gò ThànhHình ảnh 12721_dsc_0150_1213 - Khu di tích Gò Thành
Xem tất cả hình ảnh...

Thông tin


Đến với các di tích lịch sử văn hoá quốc gia tại Tiền Giang, mời bạn đến tham quan “Di tích khảo cổ Gò Thành” thuộc nền văn hoá Óc Eo tồn tại từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII sau công nguyên để có thêm hiểu biết về xã hội người Phù Nam, về các quy luật phát triển lịch sử xã hội vùng đất Nam Bộ của Việt Nam có liên quan với cả Đông Nam Á thời cổ.      

Từ thành phố Mỹ Tho, dọc theo quốc lộ 50, bạn đi về hướng Gò Công khoảng 10 km gặp Chợ Gạo, cạnh đó có có con đường nhỏ liên huyện rẽ vào hướng về phía chợ Ông Văn khoảng 4 km nữa, chưa đến chợ, mời bạn rẽ phải qua một cái cầu là đã đến “Di tích khảo cổ Gò Thành”, thuộc địa phận ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.

Ngay từ bước chân đầu tiên vào khu di tích bạn sẽ thấy hai phía cổng Gò Thành là các bảng chỉ dẫn nêu rõ, vào năm 1941, L. Malleret, một nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ra nơi này và sau đó ông đã thu thập một số hiện vật cho công bố ở Pháp là thuộc nền văn hoá Óc Eo. Tuy nhiên vì chiến tranh và vì nguyên nhân khác nữa, mãi cho đến năm  1979 mới có một số cán bộ Bảo tàng Tiền Giang đến đây khảo sát, và 8 năm sau, vào tháng 7/1987, một cuộc điều tra khảo cổ học mới chính thức được tiến hành và đã đi đến kết luận: Di tích khảo cổ Gò Thành thuộc nền văn hoá Óc Eo (Óc Eo, tiếng Khơme có nghĩa là “vùng sáng”, “điểm sáng” là tên gọi từ xa xưa của vùng Ba Thê – núi Sập nay là xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Những dấu tích “Văn hoá Óc Eo”  hiện không chỉ còn lưu giữ ở Tiền Giang mà có ở cả một số tỉnh Nam Bộ như An Giang, Đồng Tháp, Long An…                 

Trong 3 năm, 1988 – 1990, Bảo tàng Tiền Giang kết hợp với Trung tâm Khảo cổ học (thuộc Viện KHXH và Nhân văn Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh) đã tiến hành liên tục 3 mùa khai quật, khảo sát di tích này.

Theo chân hướng dẫn viên của khu di tích, bạn sẽ đến và tận mắt quan sát hiện trường toàn bộ nơi khai quật là một khu đất rộng có chứa rất nhiều di tích cổ xưa nằm trên giồng đất sét pha cát cao 3 mét so với mặt nước biển,trong một gò đất nhân tạo rộng hơn 1 mẫu. Theo hướng dẫn viên, trước khi khai quật, nơi đây là một sân bóng đơn sơ tự tạo của địa phương. Tình cờ sau trận mưa lớn, một vài người dân đã nhặt được những mảnh vàng nhỏ và mỏng khoảng 16 kara, chỉ bằng  một phần móng tay. Đồng thời, thấy trên mặt đất thỉnh thoảng có chỗ nổi lên các vỉa gạch, những mảnh gốm màu hoặc không có màu, một vài mảnh tượng vỡ và khá nhiều viên đá cuội…

Sau các đợt khai quật, trùng tu và tôn tạo di tích, các nhà khảo cổ đã nhận thấy ở phía ruộng thấp về phía tây và tây nam của gò cao là di chỉ cư trú. Ở độ sâu khoảng 1,5 đến 3 mét, phát hiện có nhiều gốm cổ bị vỡ; nhiều vòi bình; nhiều di cốt trâu bò, heo và xương cá; nhiều dấu vết tro, than, vỏ trái cây, lá dừa nước; cùng với vài cọc gỗ có dấu vết gia công.

Ở trung tâm gò cao là những đền tháp bằng gạch được xây dựng cạnh nhau, hiện chỉ còn phần nền. Chính giữa các đền tháp là những hố thờ dạng giếng hình vuông với nhiều kiểu dáng khác nhau, có độ sâu từ 1,5 đến 3 mét. Phía đáy hố thi thoảng có các mảnh vàng hình vuông hoặc hình tròn cắt hình cánh sen, có khắc hình các con vật, chủ yếu là hình voi, một ít tro, các thanh gỗ hình vuông cạnh khoảng 40 cm được chồng lên nhau theo hình vuông, các lớp cát vàng và các lớp cuội xen kẽ. Nền tháp được xây dựng kiên cố với những lớp gạch có kích thước đa dạng.

Tại khu di tích đã phát hiện có 12 hố thờ và mộ có dạng hình giếng nằm rải rác trên mặt gò. Theo hướng dẫn viên và các tài liệu khảo cổ học đã công bố, có đến hơn 100 hiện vật bằng vàng vừa nguyên dạng vừa bị vỡ tìm thấy ở khu di tích, trong đó có cả vòng đeo gắn hình lá cây, hạt chuỗi hình trái xoan, hình bông mai 6 cánh, hình tứ giác có khắc hình voi… Có 6 hiện vật bằng đồng, trong đó có 2 nhẫn, 1 xập xoã, 1 ống đồng nhỏ và 2 mảnh đồng hình thang…

Tiếp tục theo chỉ dẫn của hướng dẫn viên, bạn sẽ được đến thăm quan một khu nhà trưng bày các hiện vật hầu như còn giữ được nguyên dạng, một đình thần của địa phương được xây dựng lại khang trang trong vài năm gần đây sau khi toàn bộ khu di tích đã được trùng tu, tôn tạo có đủ tường rào, nhà bao che.             

Trong khu nhà trưng bày hiện vật, đáng lưu ý trong số hàng chục hiện vật bằng đá có 1 tượng thần Vishnu (thần Bảo vệ - bên phải trong ảnh) còn nguyên dạng, 1 tượng nữ thần (bên trái trong ảnh) và 1 tượng nam thần đều chỉ còn phần thân; 1 mảnh đá nhỏ có minh văn Phạn ngữ (chữ Phạn cổ) còn rất ít nét; có đủ cả mô hình sinh thực khí nữ, nam riêng biệt và sự kết hợp của cả hai -  biểu trưng cho nguồn gốc phát triển nhân loại; và 2 hạt đá quý màu tím xanh và trắng trong.

Cũng trong nhà trưng bày, ta còn thấy có nhiều mảnh bình, nhiều gốm thô, mịn có tô màu đỏ hoặc nâu, hoa văn trang trí, và vài lá đề bằng gốm…

Bằng kỹ thuật chuyên ngành, các nhà khảo cổ đã phân tích một số mẫu vật nơi đây bằng phương pháp C14 (Cacbon – 14), kết luận là khu di tích khảo cổ Gò Thành có niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII sau Công nguyên. Đây là một khu di tích đặc biệt vì nơi đây còn lưu giữ khá nguyên vẹn và phong phú về nhiều loại hình di chỉ như di chỉ cư trú, di chỉ kiến trúc, di chỉ mộ táng, nhất là di chỉ kiến trúc với nhiều đền tháp ở cạnh nhau có quy mô khác nhau, rất hoành tráng, tuy chỉ còn phần nền. Ngoài ra, còn đặc biệt vì các hiện vật nơi đây rất đa dạng, biểu thị cho nền văn minh của một quốc gia cổ khi đó có tên là Vương quốc Phù Nam không chỉ có ở phía đông và tây Nam Bộ của Việt Nam mà trải dài đến cả miền đông Campuchia và một phần duyên hải Thái Lan. Qua thư tịch cổ, cho thấy văn hoá Óc Eo chính là văn hoá của vuơng quốc Phù Nam. Thời đó, Phù Namđã là vương quốc vào loại hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á, có những thương cảng lớn, giao lưu hàng hoá với nhiều nước trên thế giới. Xã hội Phù Nam gồm chủ yếu là các giai tầng: nông dân, thương nhân, thị tộc và tăng lữ. Theo các nhà nhân chủng học khảo cổ, người Phù Namxưa có chung nguồn gốc với các dân tộc ít người hiện nay ở Tây Nguyên. Theo truyền thuyết thì sự ra đời của vương quốc Phù Nam là từ sự kết hợp của hai thị tộc: Mặt Trăng của Liễu Điệp và Mặt Trời của Hỗn Điền. Vua Phù Nam được gọi là vua Núi. Người Phù Nam rất sùng bái thần linh. Họ theo Ấn Độ giáo và thờ rất nhiều thần, ngay tại khu di tích Gò Thành mà bạn đến tham quan đã thể hiện rõ điều này qua các hiện vật khai quật, tìm kiếm được và còn được lưu giữ khá nguyên vẹn.              

Trong một cuộc hội thảo khoa học về các di tích văn hoá Óc Eo đã được tổ chức tại Long An vào năm 1996, các nhà khoa học đã lập danh mục đề nghị công nhận một số di tích khảo cổ là “Di tích đặc biệt quan trọng”, trong đó có “Di tích khảo cổ Gò Thành”.  Được biết, trước đó, vào năm 1994, Bộ Văn hoá – Thông tin cũng đã công nhận di tích khảo cổ Gò Thành là “Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia”, theo Quyết định số 3211/QĐBT ngày 12/12/1994.              

Từ đó đến nay, khu di tích Gò Thành đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần, ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn và nơi đây đã trở thành một trong những địa danh thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan để có dịp nâng cao thêm hiểu biết và suy tưởng về một quá khứ lịch sử văn hoá đã có bề dày phát triển từ hàng ngàn năm trước của vương quốc Phù Nam với đặc trưng văn hoá Óc Eo đã gắn kết một phần lãnh thổ phía tây và phía nam Nam Bộ của nước ta khi đó trong mối quan hệ chặt chẽ với cả Đông Nam Á. Từ đó càng cho thấy thêm tính tương đồng về lịch sử văn hoá của các nước Đông Nam Á không chỉ có ở ngày nay trong cộng đồng các nước ASEAN mà đã có từ nguồn gốc xa xưa.

(Bài viết có sử dụng số liệu và thông tin từ kết quả nghiên cứu của Lê Gia trong sách: Các di tích lịch sử văn hoá Quốc gia tại Tiền Giang; Sở Văn hoá - Thông tin Tiền Giang xuất bản năm 2006; vàtài liệu khác của Khu di tích khảo cổ Gò Thành )

Theo báo ĐCSVN

Nhúng địa điểm này vào website của bạn

Địa điểm liên quan

Trại rắn Đồng Tâm Biển Gò Công Chùa Vĩnh Tràng
Cù lao Thới Sơn Lăng Trương Định Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút
Miệt vườn Cái Bè Cù lao Ngũ Hiệp Khu di tích Gò Thành
Du Lịch Sinh Thái Miệt Vườn Sông Tiền